Sinh thời, Phan Bội Châu không ngần ngại chỉ ra nhiều tật xấu của dân ta, nhất là tình trạng mê tín dị đoan, xa hoa lãng phí.
Phan Bội Châu tên thật là Phan Văn San, tự là Hài Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Kinh Tử, Việt Điểu, Hàn Mãn Tử, v.v… Theo gia phả họ Phan, ông sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha ông là Phan Văn Phổ, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn.
Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh. Năm 6 tuổi học 3 ngày hết Tam Tự Kinh. Lên 7 tuổi, ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, sống trong môi trường Nho giáo nhưng ông không ngần ngại chỉ ra nhiều tật xấu của dân ta. Nhất là tệ mê tín dị đoan, xa hoa, lãng phí, người giàu kẻ nghèo đều bị những hủ tục này trói buộc.
Trong lúc hô hào, tổ chức nhân quần chống Pháp, tức là đang rất cần sự ủng hộ của đông đảo đồng bào nhưng Phan Bội Châu vẫn không e dè, né tránh chỉ ra, phê phán những thói hư tật xấu, những nhận thức nông cạn, tầm nhìn hạn chế của dân mình cản trở công cuộc duy tân cứu nước.
Trong sách Việt Nam quốc sử khảo, chương Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta, ông viết: “(…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:
- “Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.”
- “Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.”
- “Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.”
- “Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.”
- “Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.”
“Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi”.
Sự phê phán này thiết nghĩ cũng là nhằm mở mang tầm nhìn cho quốc dân.
Ngoài ra nhà duy tân tiên phong Huỳnh Thúc Kháng cũng từng thẳng thắn chỉ ra 4 tật xấu của người Việt. Vậy 4 tật xấu đó là gì?
Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (hay Minh Viên). Cụ là một chí sĩ yêu nước, là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 10 năm 1946), trước đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp.
Ở phong trào Duy Tân, cụ cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo. Vì lý do đó, cụ bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 11 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do.
Sinh thời, cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng có cái nhìn sâu sắc và phê phán tình trạng văn hóa lạc hậu và dân khí yếu kém của nhà nước, nhất là giới quan lại. Trên báo Tiếng dân, năm 1929, Huỳnh Thúc Kháng đã thẳng thắn chỉ ra bốn tật xấu của người Việt Nam:
“Một là, học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mà không khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền “đi học cốt để làm quan”, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm cái hy vọng làm quan chủ chốt.”
“Hai là, làm quan ăn lót: Làm quan… cốt là mượn cái địa vị thế lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên mình được hưởng, tập dữ tính thành không ai cho là điều quái lạ hổ thẹn.”
“Ba là, a dua người quyền quý. Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức… Bất cứ việc gì người ta thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.“
“Bốn là, trọng xác thịt (tức trọng vật chất – NV): Ngoài sự ăn sung mặc sướng ở yên ra, gần như không có tư tưởng gì. Đối với kẻ khác cũng lấy cái mục đích đó mà xem xét. Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ”.
Nguồn: Sống đẹp