Việc quyết định mình là ai và mình sẽ dùng cuộc đời vào việc gì hoàn toàn là tự do lựa chọn của riêng mỗi người, nhất là khi đã trưởng thành…
Khi đã khai phóng được bản thân, con người sẽ tìm ra chính mình ở hai khía cạnh quan trọng nhất: con người văn hóa và con người chuyên môn của mình.
Có không ít người cho đến cuối cuộc đời vẫn còn loay hoay không biết nên dùng cuộc đời của mình vào việc gì, hay vẫn thấy có cái gì đó còn “thiêu thiếu” trong việc mình làm mà không biết là… thiếu cái gì.
Người ta thường cho rằng đó là do thiếu các hoạt động định hướng nghề nghiệp dành cho giới trẻ. Nhưng tôi thấy lý do đó không còn đúng trong thời đại thông tin ngày nay. Hàng năm, cứ đến mùa tuyển sinh đại học, hàng loạt các chương trình tư vấn nghề nghiệp lại được tổ chức, và việc tìm hiểu tính chất của một ngành nghề nào đó bây giờ cũng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có Internet và nhiều phương tiện truyền thông khác. Theo tôi, lý do chính là vì chúng ta đang… làm ngược.
Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó. Đằng này, ta lại nỗ lực đi “chọn nghề” trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về “chọn đời“, “chọn người“, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải “chọn nghề” trước rồi mới “chọn trường” sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là “ngon” để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…
Điều đó cũng giống như sự lúng túng của cô bé Alice trong tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên” của văn hào Lewis Carroll. Trong tác phẩm, có một đoạn hội thoại giữa Alice và một con mèo biết nói khi cô bé lạc vào xứ sở này như sau:
Alice hỏi con mèo: ‘Tớ đi đường nào bây giờ?’
Con mèo trả lời: ‘Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ?’
Alice đáp lại: ‘Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.’
Con mèo: ‘Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!'”
Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu. Tương tự vậy, nếu không biết rõ đích đến của đời mình, thì việc chọn nghề nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa với người chọn. Khi ấy, chuyện chọn sai, chọn nhầm, chọn ẩu và không tìm ra được chính mình trong công việc âu cũng chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên lắm.
Nếu như “tìm ra chính mình” ở khía cạnh con người văn hóa là tìm ra “con người bên trong” của mình, con người lương tri, con người phẩm giá của mình, là tìm ra lẽ sống và giá trị sống của đời mình, thì “tìm ra chính mình” ở khía cạnh con người công việc chính là trả lời được câu hỏi: Rốt cuộc mình thật sự mê việc gì, ghét việc gì, giỏi việc gì và giỏi cỡ nào?
Vậy làm sao để tìm ra chính mình?
Đây là một câu hỏi làm khốn khổ không biết bao nhiêu người, nhất là các bạn trẻ. Có rất nhiều cách để tìm ra chính mình (nhất là tìm ra “con người công việc” của mình). Chẳng hạn:
- Hỏi những người uyên bác nhất mà mình biết và họ cũng hiểu phần nào về mình xem họ nhận xét về mình ra sao. (Tất nhiên, không dễ gì để cho người khác nói cho mình nghe nhận xét thực của họ về mình, về tố chất và tiềm năng của mình, về cái hay, cái dở của mình. Và những gì họ nói không hẳn là cái gì cũng đúng, nhưng cho dù đúng hay không thì cũng cho mình có thêm góc nhìn về mình, từ đó giúp mình hiểu mình hơn.)
- Tự đánh giá lại quá khứ học hành, công việc và cuộc sống của mình xem rốt cuộc là mình mê gì, ghét gì, giỏi gì và giỏi cỡ nào.
- Dám đặt ra mục tiêu cao hơn sức mình để dấn thân nhằm biết mình là ai.
- …
Và có một cách nữa, là hãy thử chiêm nghiệm mình thông qua câu chuyện sau. Đây là một câu chuyện “cây nhà lá vườn” mà tôi đã “sáng tác” và chia sẻ trên nhiều diễn đàn trong suốt hơn chục năm nay:
Hãy thử tưởng tượng bạn đang làm việc cho một công ty. Bạn xứng đáng với mức lương 10 triệu, nhưng công ty của bạn chỉ trả cho bạn mức lương 5 triệu. Trong tình huống đó, nếu không thích thì bạn sẽ không nhận làm và như vậy không có gì phải bàn tiếp. Nhưng nếu bạn vẫn nhận làm thì bạn sẽ làm việc theo kiểu… mấy triệu?
- Đáp án a: Kiểu 5 triệu
- Đáp án b: Kiểu 10 triệu
- Đáp án c: Kiểu 15 triệu
- Đáp án d: Kiểu 2,5 triệu
- Đáp án e: Kiểu 1,5 triệu
Bạn sẽ chọn đáp án nào?
Lẽ thường tình, bạn sẽ phải tính toán thiệt hơn, được mất rồi mới chọn!
Nếu bạn chọn đáp án A – làm theo kiểu 5 triệu – thì bạn được gì và mất gì?
Nếu làm theo kiểu này thì bạn không mất tiền, vì họ trả 5 triệu thì bạn làm theo kiểu 5 triệu, như vậy là ‘fair’ (công bằng). Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 5 triệu thì có thể không mất tiền, nhưng lại ‘mất mình’ (mất uy tín và mất phẩm giá của mình). Vì trong môi trường làm việc hiện nay thường là trả lương kín, nên người khác sẽ không biết bạn nhận lương bao nhiêu, nhưng họ vẫn thấy bạn làm việc không hết mình (chỉ làm việc theo kiểu ‘nửa mình’) và họ sẽ nghĩ về bạn không hay (bị mất uy tín, mất danh dự).
Ta vẫn thường nói với nhau rằng, mình làm ra tiền, chứ không để tiền làm ra mình. Nhưng khi người ta trả mình 10 triệu thì mình làm theo kiểu 10 triệu, khi người ta trả mình 5 triệu thì mình lại làm theo kiểu 5 triệu. Vậy thì mình làm ra tiền hay tiền làm ra mình đây? Vậy thì mình có còn là mình nữa không hay là mình đã đánh mất mình, đã sống trái với con người của mình rồi?
Nếu bạn chọn đáp án B – làm theo kiểu 10 triệu thì được gì và mất gì?
Nếu làm theo kiểu này thì bạn sẽ bị mất tiền, vì họ trả 5 triệu mà bạn lại làm tới tận 10 triệu, như vậy là thiệt mất 5 triệu. Tuy nhiên, khi làm theo kiểu 10 triệu này thì có thể bị mất tiền, nhưng lại không ‘mất mình’ (giữ được uy tín với mọi người và đặc biệt là giữ được phẩm giá của mình, sống đúng với con người của mình).
Vậy người khôn ngoan sẽ chọn làm theo kiểu 5 triệu hay 10 triệu?
Nhiều người sẽ có câu trả lời ngay rằng, người khôn ngoan sẽ làm theo kiểu 10 triệu. Đúng vậy. Nhưng thật khó tin là có cả những người dù khả năng của họ là 10 triệu, được trả 5 triệu, nhưng khi đi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 10 triệu, mà sẽ làm theo kiểu 15 triệu.
Vì sao vậy? Vì họ hiểu rằng, “Cách tốt nhất để biết mình là ai, đó là hãy quên mình đi khi làm điều gì đó hay khi phục vụ người khác” (Mahatma Gandhi).
Với những người này, họ hiểu rằng, khi làm theo kiểu 10 triệu thì chỉ bị mất tiền chứ không bị ‘mất mình’ (vì vẫn sống đúng với con người của mình và không mất uy tín với người khác), nhưng lại bị mất một thứ cũng hệ trọng không kém (đặc biệt là với những người chưa tìm ra chính mình), đó là mất đi một cơ hội để biết mình là ai.
Do vậy, dù khả năng ở mức 10 triệu và chỉ được trả có 5 triệu nhưng họ vẫn làm theo kiểu 15 triệu. Vì họ luôn xem sự quên mình trong công việc là ‘cách tốt nhất để biết mình là ai.‘ Tuy ‘mất tiền’ nhưng có khi lại ‘được mình’ (tìm ra chính mình) điều này là vô giá, nhất là với những người trẻ.
Đừng nghĩ rằng họ không phải là người khôn ngoan. (Vì người khôn ngoan thường được cho là khi làm gì họ cũng thường nghĩ cho mình). Trong trường hợp này, những người làm theo kiểu 15 triệu cũng vì bản thân họ trước hết chứ không hẳn chỉ là vì công ty. Chẳng hạn, họ xem đó là cách để họ đạt được ‘thành tựu’ mà họ đặt ra cho mình trước 30 tuổi là phải biết mình là ai, mình mê gì, ghét gì, mình giỏi gì, giỏi cỡ nào. Nhưng với sự ích kỷ này của họ thì công ty lại được hưởng lợi. Một sự ích kỷ thiệt là dễ thương!
Trên thực tế, cũng có những người, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, cũng không làm theo kiểu 15 triệu, mà họ sẽ làm theo kiểu 2,5 triệu thôi, làm theo kiểu xìu xìu, ển ển.
Chưa hết, cũng có một loại người nữa, dù khả năng của họ là 10 triệu, công ty trả cho họ 5 triệu, nhưng khi làm thì họ sẽ không làm theo kiểu 10 triệu, không làm theo kiểu 5 triệu, không làm theo kiểu 15 triệu, cũng không làm theo kiểu 2,5 triệu, mà họ làm theo kiểu 1,5 triệu, nhưng lúc nào cũng ‘biểu diễn’ cho cấp trên và mọi người thấy là họ đang làm theo kiểu 15 triệu.
Tôi thường nói vui rằng: Nếu làm theo kiểu 15 triệu là làm ‘quên mình’, làm theo kiểu 10 triệu là làm ‘hết mình’, thì làm theo kiểu 5 triệu là làm ‘nửa mình’, làm theo kiểu 2,5 triệu là ‘mất mình’ và làm theo kiểu 1,5 triệu là ‘bán mình’. Nói ngắn gọn hơn, làm theo kiểu 15 triệu là ‘đam mê’ hoặc ‘dấn thân’, làm theo kiểu 10 triệu là ‘trách nhiệm’, còn làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu là ‘đối phó’. Và một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự đam mê hay dấn thân, đó là, mình sẵn sàng dốc lòng để làm những điều mà ngay cả khi không được trả tiền để làm điều đó. Còn nếu được trả tiền cho những đam mê hay dấn thân của mình thì còn gì bằng!
Có thể thấy, trong xã hội có đủ năm loại người với năm thái độ làm việc tiêu biểu này. Những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu? Đồ điên! Ngu! Không hiểu nổi!… Còn những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu sẽ nghĩ gì về những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu?
Có lẽ họ sẽ không nghĩ gì nhiều, không coi thường, cũng không thương hại, có lẽ họ chỉ thầm tự hào về mình thôi. Bởi lẽ, có khi ngày trước mình cũng thế. Mình chỉ may mắn là nhận ra một số điều sớm hơn những người kia một chút, và nhờ đó, thái độ sống và thái độ làm của mình cũng khác đi.
Sở dĩ những người làm theo kiểu 5 triệu, 2,5 triệu và 1,5 triệu thường chửi những người làm theo kiểu 10 triệu và 15 triệu là ‘ngu’, là ‘điên’… do họ không thể hiểu nổi trong đầu những người này nghĩ cái gì và vì sao lại hành động như thế.
Như người ta thường nói, ‘chim sẻ thì không thể hiểu được bụng của đại bàng’. Bởi vì, ‘chim sẻ’ đã bao giờ làm ‘đại bàng’ đâu mà hiểu được đại bàng nghĩ gì! Nhưng ‘đại bàng’ (hàm ý là một tầm vóc về văn hóa cao hơn) thì lại hoàn toàn có thể hiểu được bụng của ‘chim sẻ’, vì trước khi trở thành ‘đại bàng’ thì đã từng là ‘chim sẻ’, và thậm chí trước khi thành ‘chim sẻ’ thì đã từng là ‘ruồi muỗi’ (xuất thân nghèo hèn chẳng hạn), nhờ cố gắng phi thường mới có thể thành được ‘chim sẻ’ (như số đông mọi người) và sau đó thành ‘đại bàng’ (có tầm vóc văn hóa cao hơn), khi đó, không chỉ hiểu được ‘chim sẻ’ mà có khi còn nhìn thấu được nhân gian.
Trích: Đúng Việc – TG: Giản Tư Trung