canh tranh lanh manh

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh trong hoạt động doanh nghiệp

Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu tới các bạn về mô hình 5 áp lực cạnh tranh  (của Michael Porter) trong hoạt động của doanh nghiệp. Việc hiểu rõ các áp lực này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cấu trúc của ngành nghề mình đang tham gia. Từ đó xác định các chiến lược phù hợp với bối cảnh của công ty.

Tìm hiểu mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter

Michael Porter

Mô hình này được xem là công cụ giúp các doanh nghiệp duy trì lợi nhuận, cung cấp chiến lược cạnh tranh với đối thủ. Qua quá trình nghiên cứu Micheal Porter cho ra đời mô hình này nhằm đo lường tác động của 5 áp lực tới sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, thông qua mô hình này, các nhà quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp sẽ xác định được điểm mạnh, điểm yếu của từng ngành để từ đó đưa ra được chiến lược phát triển phù hợp trong tương lai.

Mô hình bao gồm 5 áp lực cạnh tranh chính mà các doanh nghiệp phải đối mặt như: đối thủ cạnh tranh trong ngành, đối thủ cạnh tranh tiềm năng, nhà cung ứng, khách hàng và sản phẩm thay thế.

Áp lực cạnh tranh
Áp lực cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh trong ngành

Đối thủ cạnh tranh trong ngành hiện tại là những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm giống với doanh nghiệp của bạn, cùng mức giá, cùng phân khúc khách hàng, chất lượng sánh ngang nhau.

Để tìm ra được đối thủ cạnh tranh ngành hiện tại, chúng ta phải tìm hiểu và phân tích thị trường bằng việc trả lời cho câu hỏi: Đối thủ cạnh tranh hiện tại gồm những ai? Số lượng và chất lượng sản phẩm của họ trên thị trường như thế nào đối với chúng ta?

Đặc trưng: 

  • Số lượng doanh nghiệp tham gia: Nếu trong một sản phẩm, lĩnh vực có quá nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh với nhau thì mức độ hấp dẫn của sản phẩm ấy sẽ giảm đi.
  • Năng lực của doanh nghiệp: Nếu một sản phẩm có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng toàn là những đối thủ không quá mạnh, họ chỉ tham gia cho có thì áp lực đấy cũng không tác động quá nhiều đến doanh nghiệp của bạn.

Dựa trên đặc trưng trên, chúng ta có thể nhận thấy yếu tố quyết định chính là số lượng doanh nghiệp tham gia và năng lực của các doanh nghiệp cạnh tranh.

Đối thủ cạnh tranh tiềm năng

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong tương lai sẽ có khả năng tham gia vào ngành, sản phẩm.  Điều này nên được quan tâm bởi trong tương lai, họ có thể sẽ là mối nguy đối với doanh nghiệp của bạn.

Cũng tương tự như việc xác định đối thủ cạnh tranh hiện tại, việc tìm ra đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn cũng phải bám sát vào việc giải đáp các câu hỏi: Liệu doanh nghiệp có bị ảnh hưởng mạnh khi có một doanh nghiệp khác bước chân vào thị trường sản phẩm ấy? Làm thế nào để giữ được vị trí trong thị trường?

Đặc trưng: 

  • Bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường và mặt hàng kinh doanh, có thể là hiện tại họ chưa gia nhập ngành sản xuất ấy, nhưng điều đó cũng không thể đánh giá rằng trong tương lai họ sẽ không tham gia.
  • Nếu sản phẩm có tính cạnh tranh và sinh lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp sẽ bất chấp tham gia vào ngành hàng và chiếm lấy vị trí thống trị thị trường.

Để giảm thiểu tỷ lệ cạnh tranh trong ngành và giữ vững vị thế trong ngành thì bạn cần chú trọng tạo ra hàng rào (rào cản gia nhập ngành) để cản trở sự gia nhập của các doanh nghiệp:

  • Tạo ra sản phẩm khác biệt của riêng mình
  • Mở rộng sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất dẫn đến giảm giá thành sản phẩm
  • Mở bán trên nhiều kênh điện tử online và các trang mạng xã hội khác càng rộng càng tốt.

Nhiều khi, cục diện thị trường sẽ thay đổi hoàn toàn khi xuất hiện một đối thủ cạnh tranh mới.

Nhà cung ứng

Nhà cung ứng là các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào khâu cung cấp nguyên liệu, hàng hoá, dịch vụ. Áp lực từ nhà cung ứng cũng mang tính quyết định trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh.

Muốn phân tích được áp lực từ phía nhà cung ứng, bạn chỉ cần trả lời 3 câu hỏi: Chúng ta có bao nhiêu nhà cung cấp tiềm năng? Sản phẩm, dịch vụ của nhà cung ứng có điểm gì đặc biệt thu hút? Sẽ tốn bao nhiêu chi phí trong việc chuyển đổi nhà cung cấp?

Đặc trưng: 

  • Nhà cung cấp quy định trực tiếp tới giá bán sản phẩm và lợi nhuận thu về của doanh nghiệp.
  • Nhà cung cấp tăng hoặc giảm giá thành sản phẩm đầu ra khiến doanh nghiệp cũng lao đao khi phải gồng gánh nguy cơ lỗ.
  • Vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhà cung cấp giảm chất lượng sản phẩm để duy trì lợi nhuận, đe dọa uy tín của doanh nghiệp.
  • Nhà cung cấp trên thị trường ít, khan hiếm thì rủi ro cho doanh nghiệp càng lớn.

Để giảm thiểu áp lực từ nhà cung ứng, mỗi doanh nghiệp nên duy trì mạng lưới nhà cung ứng ổn định chỉ chuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Khách hàng

Khách hàng ở đây có thể được hiểu là người tiêu dùng cuối cùng, là đại lý hoặc doanh nghiệp nhỏ lẻ phân phối sản phẩm. Mỗi doanh nghiệp muốn thành công trên thị trường thì điều đầu tiên phải thành công trong lòng khách hàng.

Tương tự với khách hàng, chúng ta cũng tự đi tìm lời giải cho câu hỏi: Có bao nhiêu khách hàng hứng thú với sản phẩm này? Khách hàng có chấp nhận chuyển sang dùng thương hiệu khác với mức giá cao hơn, chất lượng, mẫu mã tốt hơn? Khách hàng có quyền tác động đến điều khoản, quy định của doanh nghiệp hay không?

Đặc trưng: 

  • Nhiều lựa chọn: Khi trên thị trường có nhiều hàng hoá, nhiều doanh nghiệp sản xuất thì người tiêu dùng lại càng có nhiều lựa chọn, áp lực tiêu thụ hàng hoá đối với doanh nghiệp cũng tăng cao.
  • Có nhiều sản phẩm thay thế: Khách hàng có thể bỏ thương hiệu này sang dùng thương hiệu khác bất cứ lúc nào nếu doanh nghiệp không giữ vững được sự ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng hàng hoá.

Một điều nên nhớ, khách hàng cũng có quyền tác động tới giá cả sản phẩm.

Sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là các hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này có thể thay thế hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác với cùng một mức giá, cùng chất lượng sản phẩm nhưng khác nhau về ưu đãi hoặc mẫu mã.

Trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh thì sản phẩm thay thế là yếu tố cần được nghiên cứu và cập nhật liên tục bởi tính mới mẻ và liên tục thay đổi của thị trường: Sản phẩm này có nguy cơ bị thay thế không? Nếu có, sẽ bị thay thế bởi sản phẩm như thế nào, từ nhà cung cấp nào?

Đặc trưng: 

  • Sản phẩm thay thế tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
  • Sản phẩm thay thế ra đời với tính năng mới hơn, mẫu mã đẹp hơn cùng chất lượng tốt hơn nhưng giá thành sản phẩm vẫn không đổi.

Ngày nay, các doanh nghiệp cũng đứng trước doanh nghiệp phải liên tục sáng tạo không ngừng để làm mới sản phẩm nhằm thu về lợi nhuận tốt hơn.

TỔNG KẾT

Như vậy chúng ta đã tìm hiểu được mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter. Việc hiểu và áp dụng được mô hình sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình. Từ đó sử dụng tốt hơn các nguồn lực sẵn có nhằm tạo ra doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra để tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích khác cũng như các kiến thức kinh doanh bạn vui lòng truy cập website chính thức của tôi tại: nguyendinhanh.com

BÀI VIẾT XEM THÊM: